Trùng Khánh, là một thành phố lớn ở Tây Nam Trung Quốc và là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh được hình thành vào ngày 14 tháng 3 năm 1997 khi nó tách ra từ tỉnh Tứ Xuyên ...
hành trình Trung Quốc tìm hiểu thành phố Trùng Khánh, là một thành phố lớn ở Tây Nam Trung Quốc và là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thành phố trực thuộc trung ương Trùng Khánh được hình thành vào ngày 14 tháng 3 năm 1997 khi nó tách ra từ tỉnh Tứ Xuyên. Đến tháng 11 năm 2010, tổng dân số Trùng Khánh là 28.846.200 người, Trùng Khánh được chia thành 19 khu (quận), 15 huyện, và 4 huyện tự trị.
Giản xưng chính thức của Trùng Khánh là "Du", nó được Quốc vụ viện phê chuẩn vào ngày 18 tháng 4 năm 1997. Trùng Khánh cũng từng là một thành phố trực thuộc trung ương của Trung Hoa Dân Quốc, và đóng vai trò là thủ đô thời chiến của chính phủ Quốc dân trong Chiến tranh Trung-Nhật (1937–1945). Giản xưng này bắt nguồn từ tên cũ của đoạn sông Gia Lăng chảy qua Trùng Khánh rồi hợp vào Trường Giang.
Trùng Khánh là một khu vực quan trọng về lịch sử và văn hóa, thành phố cũng là trung tâm kinh tế của vùng thượng du Trường Giang. Trùng Khánh là một trung tâm sản xuất chính và một đầu mối giao thông của vùng Tây Nam Trung Quốc .
Trùng Khánh nằm trên khu vực chuyển tiếp giữa cao nguyên Thanh-Tạng và đồng bằng trung-hạ du Trường Giang. Trùng Khánh nằm sâu trong lục địa ở phía tây nam Trung Quốc, nằm tại thượng du của Trường Giang, thuộc rìa phía đông của bồn địa Tứ Xuyên. Trùng Khánh giáp với Hồ Bắc và Hồ Nam ở phía đông, giáp với Quý Châu ở phía nam, tây giáp Tứ Xuyên, phía bắc giáp Thiểm Tây. Chiều dài đông-tây tối đa của Trùng Khánh là 470 km, chiều dài bắc-nam tối đa là 450 km, tổng diện tích thành phố là 82.403 km². Trùng Khánh là "trực hạt thị" có diện tích lớn nhất Trung Quốc, giống như một tỉnh nhỏ. Trùng Khánh có một khu vực thành thị lớn, vùng nông thôn lớn, vùng đồi núi lớn, vùng lòng hồ chứa Tam Hiệp lớn, trong đó khu vực đã tiến hành xây dựng tại vùng đô thị lõi có diện tích 647,78 km².
Khu vực đô thị lõi của Trùng Khánh nằm ở nơi hợp lưu giữa sông Gia Lăng và Trường Giang. Trong đó, khu vực quận Du Trung như một bán đảo và vốn chủ yếu có địa hình đồi núi, các quận Du Bắc và Giang Bắc ở phía bắc sông Gia Lăng chủ yếu có địa hình đồng bằng. Toàn bộ Trùng Khánh là khu vực phía đông của bồn địa Tứ Xuyên, các mặt bắc, đông, đông nam và nam của Trùng Khánh lần lượt giáp với Đại Ba Sơn, Vu Sơn, Vũ Lăng Sơn và Đại Lâu Sơn. Địa mạo chủ yếu của Trùng Khánh là gò đồi và núi non, độ cao thấp dần từ phía bắc xuống đến thung lũng Trường Giang ở phía nam, có một lượng lớn diện tích sườn đồi, vì thế Trùng Khánh còn được gọi là "sơn thành". Địa mạo karst phổ biến tại Trùng Khánh, và có thể thấy các rừng đá, các nhóm đỉnh núi cùng các hang động và thung lũng đá vôi ở nhiều nơi.
Các sông chính chảy qua Trùng Khánh là Trường Giang, sông Gia Lăng, sông Ô, sông Phù, sông Kì, sông Đại Ninh. Trường Giang chảy từ tây sang đông, chiều dài đoạn chảy trên đất Trùng Khánh là 665 km. Trường Giang chảy xuyên qua ba nếp lồi của dãy núi Vu Sơn, hình thành nên Cù Đường Hiệp, Vu Hiệp và Tây Lăng Hiệp (thuộc tỉnh Hồ Bắc), tức Trường Giang Tam Hiệp. Trước khi hợp vào Trường Giang, sông Gia Lăng cũng chảy xuyên qua dãy núi Vu Sơn, hình thành Tiểu Tam Hiệp gồm Lịch Tị Hiệp, Ôn Đường Hiệp và Quan Âm Hiệp .
Trùng Khánh là trực hạt thị có diện tích và dân số lớn nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thành phố được chia thành 38 đơn vị hành chính (3 đơn vị bị bãi bỏ năm 1997, còn Vạn Thịnh và Song Kiều đã bị bãi bỏ vào tháng 10 năm 2011), trong đó có 19 khu (quận), 15 huyện, và 4 huyện tự trị.
Tính đến cuối năm 2008, số nhân khẩu thường trú tại Trùng Khánh là 28,39 triệu người, tổng nhân khẩu là 32,5332 triệu người,, tuy nhiên số nhân khẩu có hộ tịch tại 9 quận đô thị trung tâm (chủ thành) chỉ có 8 triệu người, chiếm khoảng 1/4 dân số toàn thành phố; trong 9 quận này thì chỉ có 6,41 triệu cư dân thành thị, tỉ lệ đô thị hóa đạt 82,7%. Số cư dân đô thị của toàn thành phố Trùng Khánh là 13,6115 triệu người, đạt tỷ lệ đô thị hóa 49,99%. Theo một bài đăng trên Tân Hoa xã vào tháng 7 năm 2010, Trùng Khánh có 32,8 triệu cư dân, trong đó 23,3 triệu cư dân là nông dân. Trong số đó, 8,4 triệu nông dân đã trở thành công nhân di trú, bao gồm 3,9 triệu người làm việc và sinh sống trong các khu vực đô thị của Trùng Khánh.
Là thủ đô lâm thời của Trung Quốc từ năm 1937 đến 1945, thành phố được biết đến nhiều với vị thế là một trong ba trụ sở chính của Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngoài ra thành phố cũng là một trung tâm chiến lược trong nhiều cuộc chiến tranh khác trong suốt lịch sử Trung Quốc. Trùng Khánh có nhiều di tích lịch sử chiến tranh, một số trong đó đã bị phá hủy. Các di tích này bao gồm đài kỷ niệm Giải phóng Nhân dân Trùng Khánh, nằm ở trung tâm thành phố. Đài này từng là công trình cao nhất tại khu vực quanh đó song hiện nay bao quanh nó là rất nhiều các tòa cao ốc trung tâm mua sắm. Ngày nay, đài tưởng niệm này là một biểu tượng của Trùng Khánh. Bên cạnh đó còn có Bảo tàng tướng Joseph W. Stilwell, dành riêng cho tướng "Vinegar Joe" Stilwell, một vị tướng phục vụ trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, nghĩa trang không quân tại khu vực Nam Sơn để tưởng nhớ những người thuộc lực lượng không quân Trung Hoa đã bị thiệt mạng trong chiến tranh Trung-Nhật, và Hồng Nham cách mạng kỉ niệm quán, một địa điểm ngoại giao của đảng Cộng sản Trung Quốc do Chu Ân Lai đứng đầu trong Chiến tranh Trung-Nhật. Quán này cũng là nơi Mao Trạch Đông đã ký kết "Hiệp định Song Thập (10/10)" với Quốc Dân đảng.
Các địa điểm khác tại Trùng Khánh bao gồm:
- Bảo tàng dưới nước Bạch Hạc Lương Phù Lăng, bảo tàng dưới nước đầu tiên tại Trung Quốc.
- Đại lễ đường Nhân dân Trùng Khánh, dựa theo Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Đây là một trong các tòa nhà hội nghị lớn nhất tại Trung Quốc, và mặc dù được xây vào thời hiện đại song nó được mô phỏng theo phong cách kiến trúc truyền thống. Đại lễ đường tiếp giáp với khu vực đông dân cư và đồi núi, với các đường phố chật hẹp và lối đi chỉ dành cho người đi bộ.
- Tượng khắc đá Đại Túc tại huyện Đại Túc, gồm một loạn các tác phẩm điêu khắc và chạm khắc tôn giáo Trung Hoa, có niên đại từ thế kỷ thứ 7, mô tả và chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo.
- Thiên Sinh Tam Kiều và động Phù Dung tại Công viên địa chất quốc gia Karst Vũ Long,
- Tứ Khí Khẩu một thị trấn 1000-năm tuổi ở quận Sa Bình Bá, nó cũng được gọi là Tiểu Trùng Khánh. Thị trấn nằm sát bên hạ du sông Gia Lăng và từng là một nguồn cung gốm sứ Trung Hoa quan trọng và một bến tàu thương mại bận rộn trong thời Minh và Thanh.
- Điếu Ngư thành là một trong ba chiến trường lớn thời cổ của Trung Quốc. Nơi đây nổi tiếng với cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ của Nam Tống và là nơi đại hãn Mông Kha tử trận vào năm 1259.
- Động Tuyết Ngọc ở Phong Đô là hang động karst trắng tinh khiết, giống như ngọc bích duy nhất ở Trung Quốc.
- Vườn động vật Trùng Khánh, với nhiều loài quý hiếm như gấu trúc lớn, hổ Hoa Nam, và voi châu Phi. Vườn thú nằm bên bờ Trường Giang và từ đó có thể trông thấy Tam Hiệp.
Món ăn Trùng Khánh phần lớn là sự pha trộn giữa trường phái ẩm thực Tứ Xuyên và các món đặc sản địa phương. Trung tâm thành phố Trùng Khánh có rất nhiều nhà hàng và quầy hàng thực phẩm. Các đặc sản của Trùng Khánh bao gồm bánh bao hay dưa muối, khác biệt với các phái ẩm thực Trung Hoa khác, các món ăn Trùng Khánh được bày ra chỉ một lần duy nhất do người dân ở đây thường chia phần ăn riêng lẻ cho mỗi người. Một số món ngon của Trùng Khánh là:
- Lẩu - cách nấu nướng đặc biệt của Trùng Khánh. Bàn trong một nhà hàng lẩu thướng có một nồi ở giữa, các loại thực phẩm sẽ được làm chín theo ý thích của khách hàng trong một nước sốt cay. Ngoài thịt bò, thịt lợn, hay các loại rau, nguyên liệu của món này cũng thường bao gồm cả thận và não của lợn, ruột vịt, dạ dày bò.
- Món cá Giang Đoàn - do Trùng Khánh nằm ven sông Gia Lăng, người ta có thể dễ dàng có cơ hội thưởng thức các loại thủy sản ở nơi đây. Trong số đó, có một loại cá địa phương gọi là cá Giang Đoàn, hay còn có biệt danh là "cá đầu lớn". Danh pháp của "cá Giang Đoàn" là Hypophthalmichthys nobilis, tên thông dụng trong tiếng Việt của loài này là cá mè hoa. Người ta thường hấp hoặc nướng loài cá này.
- Chân lợn nấu với kẹo đá - Một món ăn thông dụng tại gia đình của người Trùng Khánh, khi hoàn tất, món ăn này sẽ có màu đỏ và vị dịu, được mô tả là có dư vị của sự mạnh mẽ và sự ngọt ngào.
- Thiên chương, một loại kem hình thành khi hớt váng sữa đậu nành. Để làm được món ăn này phải tuân theo các bước cẩn thận. Món này được mô tả là mềm, có mùi thơm và ngọt.