Từ xa xưa, các vua nhà Thanh đã luôn biết cách hưởng thụ cuộc sống bằng việc xây dựng cho mình những khu nghỉ dưỡng nguy nga, tráng lệ trên khắp cả nước. Nằm trong hệ thống cung điện đó, Thừa Đức sơn trang nổi lên như một công trình vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn nhất, thu hút rất nhiều khách chuyến đi Trung Quốc ...
Ngũ Nhạc Danh SơnTừ xa xưa, các vua nhà Thanh đã luôn biết cách hưởng thụ cuộc sống bằng việc xây dựng cho mình những khu nghỉ dưỡng nguy nga, tráng lệ trên khắp cả nước. Nằm trong hệ thống cung điện đó, Thừa Đức sơn trang nổi lên như một công trình vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn nhất, thu hút rất nhiều khách ghé thăm.
Nằm ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 255 km với bốn bề núi non bao bọc, sơn trang Thừa Đức do ba đời vua triều nhà Thanh là Khang Hi, Ung Chính, Càn Long xây dựng và hoàn thành trong 87 năm (1703 - 1792).
Xưa kia, Thừa Đức vốn chỉ là một thị trấn mờ nhạt trên bản đồ và chỉ trở nên nổi tiếng khi vua Khang Hy đi thị sát miền Bắc phát hiện vùng đất này có thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa và đã chọn để xây dựng cung điện và lâm viên nghỉ mát trong mùa hè. Từ đó, cứ đến mùa hè, các vị vua lại đến sơn trang hoàng gia này để tránh cái nắng nóng khó chịu ở Bắc Kinh. Bởi vậy mà Thừa Đức đã trở thành một trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng sau kinh đô Bắc Kinh dưới triều đại Mãn Thanh.
Toàn bộ công trình có tổng diện tích lên tới 5,6 triệu mét vuông gồm bốn kiến trúc có phong cách cổ phác và điển nhã: Chính Cung, Đông Cung, Tùng Hạc Trai, và Vạn Hác Tùng Phong. Khu vườn cảnh bao gồm hồ, núi, đất bằng. Bên trong, sơn trang được chia thành khu cung điện, khu núi non, khu hồ nước và khu đồng bằng với hơn 120 tòa kiến trúc bao gồm: lầu, đình, miếu, tháp, hành lang, cầu...
Khu cung điện nằm ở phía nam sơn trang, được lợp bằng ngói lưu ly có màu sắc tươi tắn và mái hiên cong vút, gợi cho Lữ khách sự phồn hoa, nhộn nhịp thưở xưa cũ. Khu vực này không chỉ nơi ở của hoàng đế nhà Thanh mà còn được dùng để xử lý công việc, tổ chức đại lễ và hội kiến sứ thần các nước. Hiện nay, khách thăm quan tới đây có thể xem những người mặc tuồng phục và biểu diễn các điển tích về hoàng gia vô cùng thú vị.
Khu hồ nước nằm ở hướng Bắc cung điện, có mặt hồ phẳng lặng với các đảo nhấp nhô và những kiến trúc nhỏ nhắn xinh đẹp nằm dọc hai bên bờ. Từ hồ đi tiếp lên hướng Bắc lên bạn sẽ gặp khu đồng bằng và khu núi. Nếu đồng bằng sở hữu thảm thực vật tươi tốt với những cây cổ thụ cao ngất cành lá sum suê thì khu núi đồi lại nổi bật bằng khung cảnh đỉnh núi nhấp nhô, biển rừng vươn xa tít tắp. Với địa hình và cảnh quan đa dạng, chỉ cần một lần dạo bước trong sơn trang này thôi là đủ để bạn tạm hình dung cảnh quan của cả đất nước Trung Hoa. Toàn bộ quần thể kiến trúc tôn giáo trong Sơn Trang qui tụ các dòng nghệ thuật kiến trúc của các dân tộc Mãn, Hán, Mông, Tạng rất đặc sắc.
Xung quanh sơn trang được bao bọc bởi 12 ngôi chùa hoàng gia hay còn gọi là Ngoại Bát miếu. Trong số đó thì đáng chú ý là chùa Phổ Ninh, ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trong quần thể và sở hữu một pho tượng phật bằng gỗ sơn vàng có 42 cánh tay cao 22m. Chùa Phổ Đà là ngôi chùa rộng nhất trong số 12 chùa với kiến trúc mô phỏng theo cung Pu Ta La của La Sa Tây Tạng. 12 ngôi chùa được thiết kế xây dựng cho 12 dân tộc khác nhau dẫn đến những điểm khác biệt nhất định trong kiến trúc. Nằm trong quần thể chung, công trình nhằm mục đích tạo nên sự hòa hợp giữa các dân tộc.
Sơn trang nghỉ mát Thừa Đức và khu 12 ngôi chùa đều đã được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới. Với giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời cùng kiến trúc được xếp vào hàng tuyệt tác thời trung đại. Tổ hợp công trình Thừa Đức sơn trang và Ngoại Bát Miếu không chỉ là tài sản vô giá của chính phủ và người dân Trung Quốc mà còn trở thành điểm thăm quan vô cùng hứa hẹn với hàng triệu lượt khách ghé thăm mỗi năm.