An Huy là một tỉnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tỉnh nằm ở Hoa Đông và trải dài trên các đồng bằng Trường Giang và Hoài Hà, An Huy giáp với Giang Tô ở phía đông, Chiết Giang ở phía đông nam, Giang Tây ở phía nam, Hồ Bắc ở phía tây nam, Hà Nam ở phía tây bắc, và giáp với Sơn Đông trên một đoạn nhỏ ở phía bắc. Tỉnh lị An Huy là Hợp Phì.
An Huy là một tỉnh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tỉnh nằm ở Hoa Đông và trải dài trên các đồng bằng Trường Giang và Hoài Hà, An Huy giáp với Giang Tô ở phía đông, Chiết Giang ở phía đông nam, Giang Tây ở phía nam, Hồ Bắc ở phía tây nam, Hà Nam ở phía tây bắc, và giáp với Sơn Đông trên một đoạn nhỏ ở phía bắc. Tỉnh lị An Huy là Hợp Phì.
Vào đầu thời Thanh, An Huy thuộc tỉnh Giang Nam, đến năm Khang Hi thứ 6 (1667), triều đình đã tách tỉnh Giang Nam thành tỉnh Giang Tô và An Huy. Tên gọi "An Huy" bắt nguồn từ tên của hai thành phố phía nam của tỉnh là An Khánh và Huy Châu (nay là Hoàng Sơn).
Địa Lý
An Huy giáp với các tỉnh Sơn Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Giang Tây, Hồ Bắc và Hà Nam. Địa mạo An Huy chủ yếu là đồng bằng và gò đồi. Đồng bằng, gò đồi và núi thấp tại An Huy nằm xen kẽ nhau. Trường Giang và Hoài Hà chảy từ tây sang đông An Huy với chiều dài tương ứng là 416 km và 430 km. Toàn An Huy có thể được phân thành năm khu vực tự nhiên: đồng bằng Hoài Bắc, vùng đồi Giang Hoài, vùng Đại Biệt Sơn ở Hoản Tây, vùng đồng bằng ven sông Trường Giang và vùng núi Hoản Nam. Vùng đồng bằng chiếm 31,3% diện tích An Huy (bao gồm 5,8% đất cải tạo), gò đồi chiếm 29,5% diện tích, núi non chiếm 31,2% diện tích, các hồ và đầm lầy chiếm 8% diện tích.
Các dãy núi chủ yếu tại An Huy gồm Đại Biệt Sơn, Hoàng Sơn, Cửu Hóa Sơn, Thiên Trụ Sơn. Đỉnh cao nhất là đỉnh Liên Hoa thuộc Hoàng Sơn với cao độ 1.860 mét.
Vùng đồng bằng Hoản Bắc bao gồm khu vực rừng lá rộng rụng lá bán hạn bình nguyên Hoa Bắc ở bờ bắc Hoài Hà và khu vực đất ngập nước ở bờ nam Hoài Hà. Vùng đồng bằng Hoản Bắc này có địa thế bằng phẳng và rộng rãi, thuộc khu vực phía nam của bình nguyên Hoa Bắc. Vùng đồng bằng Hoản Bắc có độ cao khoảng 20-50 mét so với mực nước biển, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. Các chi lưu phía bắc của Hoài Hà chảy theo hướng đông nam rồi nhập vào Hoài Hà và hồ Hồng Trạch. phía bắc của vùng đồng bằng Hoản Bắc chịu ảnh hưởng từ các trận lụt của Hoàng Hà nên hiện nay có lớp trầm tích sâu. Do được tiến hành khai khẩn nông nghiệp từ rất lâu, hiện nay vùng đồng bằng Hoản Bắc đã không còn thảm thực vật tự nhiên, hiện chỉ có các loài do con người trồng như trắc bách, dương, liễu, hông, dương hòe, du. Ở phía nam, địa hình không được bằng phẳng như ở phía bắc, Đại Biệt Sơn chiếm hầu hết khu vực tây nam An Huy và một loại các đồi và dãy núi cắt qua phần đông nam. Trường Giang chảy qua An Huy giữa hai vùng đồi núi này.
Cùng với địa hình, khí hậu của An Huy cũng có sự khác biệt giữa bắc và nam. phía bắc có khí hậu ôn hòa hơn và các mùa rõ rệt hơn. Nhiệt độ trung bình năm tại An Huy là 16-18 °C, chênh lệc bắc-nam là khoảng 2 °C; nhiệt độ trung bình vào tháng 1 là khoảng từ -1 °C đến 2 °C ở phía bắc Hoài Hà và từ 0 °C đến 3 °C ở phía nam Hoài Hà; nhiệt độ trung bình vào tháng 7 là khoảng 27 °C hoặc cao hơn. Lượng mưa trung bình hàng năm của An Huy là 800-1.600mm, các cơn mưa lớn xuất hiện vào tháng 6 và tháng 7 và có thể dẫn đến lũ lụt. An Huy có trung bình 1.800-2.500 giờ nắng mỗi năm, và có 200-250 ngày không có sương.
An Huy có trên 2.000 sông suối, hơn 110 hồ. Các sông quan trọng tại An Huy là Trường Giang, Hoài Hà, Tân An Giang; các hồ quan trọng của An Huy là hồ Sào, hồ Long Cảm và hồ Nam Y; hồ Sào với diện tích bề mặt 800 km² là một trong năm hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc. Tổng lượng tài nguyên nước của An Huy là 68 tỉ m³, chủ yếu là tại các sông thuộc lưu vực Hoài Hà, Trường Giang và Tiền Đường Giang. Trong đó, diện tích thuộc lưu vực Hoài Hà là 66.900 km², diện tích thuộc lưu vực Trường Giang là 66.000 km², diện tích thuộc lưu vực Tiền Đường Giang là 6.500 km².
Đọng Thực Vật
Thảm thực vật rừng tại An Huy có sự chuyển tiếp rõ ràng giữa bắc và nam, phía bắc Hoài Hà thuộc đới rừng lá rộng ôn đới ấm với nhiều cây dương, hòe, đồng; phía nam Hoài Hà là khu vực thuộc đới rừng lá rộng hỗn giao thường xanh và rụng lá bắc cận nhiệt đới và đới rừng lá rộng thường xanh trung cận nhiệt đới với nhiều cây tùng, sam và trúc. Năm 2011, toàn An Huy có 4,4 triệu ha đất rừng, chiếm 31,7% diện tích toàn tỉnh. Tổng diện tích rừng của An Huy là khoàng 3,6 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 26,06%. An Huy có 21 đơn vị cấp huyện đồi núi, toàn bộ nằm tại vùng Đại Biệt Sơn ở Hoản Nam và Hoản Tây, tỷ lệ che phủ rừng trung bình ở các địa phương này lên tới trên 50%; 65 đơn vị cấp huyện đồng bằng dọc Trường Giang và Hoài Hà có tỷ lệ che phủ rừng bình quân là trên 15%; khu vực gò đồi và sườn đồi giữa Trường Giang và Hoài Hà có tỷ lệ che phủ rừng trên dưới 12%.
Tỉnh An Huy có tài nguyên động thực vật vật hoang dã phong phú, với nhiều loài khác nhau. An Huy có 4.245 loài thực vật có mạch, chiếm 14,2% số loài thực vật có mạch tại Trung Quốc, trong đó có 6 loài thực vật được bảo hộ quốc gia cấp 1 và 25 loài được bảo hộ quốc gia cấp 2. Toàn tỉnh An Huy có 44 bộ, 121 họ với 742 loài động vật có xương sống, chiếm 14,1% toàn quốc, trong đó có 21 loài động vật được bảo hộ quốc gia cấp 1, 70 loài được bảo hộ quốc gia cấp 2, với các loài đặc hữu như cá sấu Dương Tử (Alligator sinensis) và cá heo Dương Tử (Lipotes vexillifer) tại lưu vực Trường Giang ở trung bộ An Huy.
Nhân khẩu
Năm 2011, tổng số nhân khẩu có hộ tịch tại An Huy là 68,759 triệu người, tăng 489.000 người so với năm trước; tổng số nhân khẩu thường trú của An Huy trong cùng năm là 59,68 triệu người, tăng 110.000 người so với năm trước đó. Theo tổng điều tra nhân khẩu toàn quốc lần thứ 6 vào năm 2010, tại An Huy có sự hiện diện của tất cả 55 dân tộc thiểu số được công nhận tại Trung Quốc với tổng nhân khẩu là 395.600 người, chiếm 0,66% tổng nhân khẩu toàn tỉnh. Trong số các dân tộc thiểu số tại An Huy, người Hồi, người Mãn và người Xa là các dân tộc lớn nhất; riêng người Hồi chiếm tới 82,92% tổng nhân khẩu các dân tộc thiểu số tại An Huy. Các dân tộc thiểu số tại An Huy chủ yếu phân bố phân tán, toàn tỉnh vào năm 2011 có 9 hương dân tộc, 1 nông trường dân tộc, 135 thôn dân tộc. An Huy là tỉnh mất cân bằng giới tính. Theo một nghiên cứu vào năm 2009 do British Medical Journal phát hành thì trong nhóm tuổi từ 1-4 tại An Huy, trung bình cứ 138 bé trai thì có 100 bé gái.
Ngôn ngữ
Quan thoại được nói ở bắc bộ và trung bộ An Huy, tức phía bắc Trường Giang. Các phương ngôn ở bắc bộ An Huy được phân loại là Quan thoại Trung Nguyên, cùng một hệ với các phương ngôn tại Hà Nam và Sơn Đông; các phương ngôn ở trung bộ An Huy được phân loại là Quan thoại Giang Hoài, cùng một hệ với các phương ngôn tại trung bộ tỉnh Giang Tô lân cận. Các phương ngữ không thuộc Quan thoại được nói ở phía nam Trường Giang: các phương ngôn của tiếng Ngô được nói tại Tuyên Thành, song nó đang dần bị Quan thoại Giang Hoài thay thế; các phương ngôn của tiếng Cám được nói ở một vài huyện ở vùng tây nam giáp với tỉnh Giang Tây; và tiếng Huy được nói tại khoảng 10 huyện ở cực nam của An Huy.
Tôn giáo
Trên địa bàn An Huy, các tôn giáo phổ biến nhất là tôn giáo dân gian Trung Quốc, Phật giáo Hán và Đạo giáo. Một số công trình tôn giáo nổi tiếng tại An Huy là tháp Chấn Phong tại An Khánh, hay Hóa Thành tự, Nhục Thân bảo điện, Bách Tuế cung, Thiên Đài tự trên Kim Hoa Sơn, một trong tứ đại danh sơn của Phật giáo Trung Quốc. Tại Hợp Phì có đền thờ Bao Công. An Huy cũng có các cộng đồng Hồi giáo và là một trong những nơi có nhiều tín hữu Ki-tô giáo nhất tại Đông Á.
Kinh Tế
Theo tính toán sơ bộ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của An Huy năm 2011 là 1,51103 nghìn tỉ NDT, theo giá cả so sánh, tỷ lệ tăng trưởng so với năm trước là 13,5%. Theo khu vực, khu vực một của nền kinh tế đạt giá trị 202,03 tỉ NDT, tăng trưởng 4% so với năm trước; khu vực hai đạt giá trị 822,64 tỉ NDT, tăng trưởng 17,9% so với năm trước; khu vực ba đạt giá trị 486,36 tỉ NDT, tăng trưởng 10,5% so với năm trước đó. Tỷ lệ giữa ba khu vực trong nền kinh tế của An Huy đã thay đổi từ 14:52,1:33,9 của năm 2010 thành 13,4:54,4:32,2 vào năm 2011, trong đó giá trị công nghiệp chiếm tỷ trọng 46,2% trong GDP, tăng 2,4% so với năm trước. Năng suất lao động toàn xã hội của tỉnh An Huy vào năm 2011 là 36.986 NDT/người, thu nhập bình quân đầu người đạt 25.340 NDT/người (tức khoảng 3.923 USD).
Nông nghiệp
Phần lớn tỉnh An Huy có lượng quang nhiệt lớn, lượng mưa phong phú, mưa và nắng trong cùng một thời kỳ, điều này có lợi cho sự phát triển của cây trồng. Ngoài ra, trung bộ và bắc bộ An Huy là vùng đồng bằng rộng lớn, đất đai phì nhiêu. Năm 2011, diện tích trồng cây lương thực có hạt của An Huy là 6621,5 nghìn ha, trong đó diện tích chuyên dụng trồng lúa mì chất lượng cao là 1.985 nghìn ha. Ngoài ra, diện tích trồng cây có dầu là 878,3 nghìn ha, diện tích trồng bông là 350,4 nghìn ha, diện tích trồng rau xanh là 790,3 nghìn ha. Năm 2010, tổng sản lượng lương thực của An Huy là 308,05 triệu tấn, là mức cao nhất so với những năm trước đó. Sản lượng hạt có dầu đạt 2,276 triệu tấn, sản lượng bông đạt 316 nghìn tấn, sản lượng thuốc lá đạt 29 nghìn tấn, sản lượng trà đạt 83 nghìn tấn, sản lượng rau xanh đạt 21,374 triệu tấn và sản lượng hoa quả đạt 8,053 triệu tấn.
Tính đến cuối năm 2011, số lợn chăn nuôi tại trên địa bàn An Huy là 14,673 triệu con; số lợn nuôi xuất chuồng mỗi năm là 27,211 triệu con. Sản lượng các loại thịt chủ yếu vào năm 2011 là 3,718 triệu tấn, trong đó lượng thịt lợn, thịt bò và thịt cừu là 2,651 triệu tấn. Sản lượng trứng gia cầm đạt 1,197 triệu tấn. Sản lượng sữa bò đạt 225 nghìn tấn. Sản lượng thủy sản đạt 1,995 triệu tấn.
Công nghiệp
Sau cải cách mở cửa, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh An Huy đã có các tiến bộ, hình thành được một hệ thống công nghiệp tương đối hoàn chỉnh, bao gồm cả ngành năng lượng và luyện kim. Chery Automobile Co., Ltd. là biểu tượng cho ngành công nghiệp ô tô của An Huy. Các công ty lớn nhất của tỉnh An Huy bao gồm Anhui Conch Cement Company, chuyên về sản xuất và phân phối xi măng, Guoyang Securities Co, một nhà cung cấp dịch vụ tài chính, và Ma’anshan Iron & Steel, một nhà sản xuất gang thép.
Năm 2011, giá trị công nghiệp của An Huy đạt 706,17 tỷ NDT, đạt mức tăng trưởng 21,1% so với năm trước; trong đó công nghiệp nhẹ tăng trưởng 27,2% còn công nghiệp nặng tăng trưởng 18,6%, tỷ lệ giữa hai ngành này vào năm 2011 là 30,8:69,2. Các nhà máy sản xuất theo hình thức cổ phần hoặc vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả vốn Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan) tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng với tỷ lệ tương ứng là 22% và 20%. Bảy ngành công nghiệp hàng đầu của An Huy là thông tin điện tử, chế tạo ô tô và thiết bị, vật liệu và vật liệu mới, năng lượng mới, thực phẩm và y dược, dệt may và quần áo, ngành công nghiệp dịch vụ hiện đại.
Khoáng sản
An Huy là một tỉnh lớn về tài nguyên khoáng sản với trữ lượng phong phú. Tính đến cuối năm 2011, người ta đã phát hiện được 158 loại khoáng sản trên địa bàn An Huy, trong đó đã xác minh được trữ lượng của 126 loại khoáng sản với 5 loại khoáng sản năng lượng, 22 loại khoáng sản kim loại, 96 loại khoáng sản phi kim. Các vùng mỏ quan trọng của An Huy bao gồm sắt tại Mã An Sơn, than đá ở Hoài Nam và đồng tại Đồng Lăng.
Giao Thông
Đường sắt
Hệ thống đường sắt của tỉnh An Huy do cục đường sắt Thượng Hải quản lý. Năm 2011, tổng chiều dài mạng lưới đường sắt hoạt động tại An Huy là 3144 km. Các tuyến đường sắt chính trên địa bàn An Huy là Kinh-Hỗ, Lũng-Hải, Kinh-Cửu, Thanh-Phụ, Phụ-Hoài, Hoài Nam, Tuyên-Hàng, Hoản-Cám, Ninh-Tây, Hỗ-Dong. Các tuyến đường sắt cao tốc đi qua địa phận An Huy bao gồm đường sắt cao tốc Kinh-Hỗ, đường sắt liên thành Ninh-An, đường sắt vận chuyển hành khách Hợp-Bạng, đường sắt vận chuyển hành khách Thương-Hàng, đường sắt cao tốc Hợp-Vũ.
An Huy có ba ga vận chuyển hành khách cấp một là ga Phụ Dương, ga Bạng Phụ và ga Hợp Phì; cùng với bốn ga vận chuyển hàng hóa cấp một là ga Phụ Dương Bắc, ga Bạng Phụ Đông, ga Vu Hồ Đông, ga Hoài Nam Tây. Các ga vận chuyển hành khách cấp hai tại An Huy gồm ga Hợp Phì Nam, ga Vu Hồ, ga Hoài Nam, ga Túc Châu, ga Trừ Châu, ga Hoài Bắc, ga Mã An Sơn, ga Đồng Lăng, ga Bạc Châu, ga Hoàng Sơn, ga Nãng Sơn, ga Thủy Gia Hồ, ga Hợp Phì Tây, ga Tích Khê.
Đường bộ
Mật độ đường bộ tại An Huy đứng vào hàng đầu trong số các tỉnh tại Trung Quốc. An Huy có 14 bến xe hành khách cấp địa khu, 65 bến xe hành khách cấp huyện và 20 bến vận chuyển hàng hóa. Tính đến cuối năm 2011, tổng chiều dài các tuyến công lộ tại An Huy là 149.534,65 km, mật độ là 107,27 km/100 km²; trong đó có 3.009 km đường cao tốc đã thông xe, có đến 99.98% số thôn hành chính tại An Huy đã thông công lộ. Tất cả các địa cấp thị tại An Huy đều đã thông đường cao tốc, nếu đi theo các tuyến cao tốc này sẽ mất khoảng 6 tiếng để quá cảnh theo chiều bắc-nam của An Huy, và mất khoảng 3 tiếng nếu quá cảnh theo chiều đông-tây. Tại An Huy có 3 cây cầu lớn vượt Trường Giang, đó là cầu Trường Giang An Khánh, cầu Trường Giang Vu Hồ và cầu Trường Giang Mã An Sơn; và có 12 cầu vượt Hoài Hà. Năm 2011, hệ thống đường bộ của An Huy đã thực hiện vận chuyển 1,79 tỷ lượt hành khách và 2,19 tỷ tấn hàng hóa.
Các tuyến đường cao tốc chủ yếu chạy trên địa phận An Huy là đoạn Hợp Từ của tuyến đường cao tốc Kinh-Đài (một trong các tuyến chính của hệ thống đường cao tốc Trung Quốc), đường cao tốc Hợp-Ninh, đường cao tốc Hợp-An, đường cao tốc Lư-Đồng, đường cao tốc Đồng-Thang, đường cao tốc Thang-Đồn, đoạn Ninh-Hoài của đường cao tốc Trường-Thẩm, đoạn Bạc-Phụ và An-Cảnh của đường cao tốc Tế-Quảng, đoạn An Huy của đường cao tốc Liên-Hoắc, đoạn Bạng-Minh và đoạn Giới-Phụ-Bạng của đường cao tốc Ninh-Lạc, đoạn Hợp-Ninh và đoạn Hợp-Lục-Diệp của đường cao tốc Hỗ-Thiểm, đoạn Hợp-Ninh và đoạn Hợp-Từ và đoạn Hợp-Lục Diệp của đường cao tốc Hỗ-Dong, đoạn Quảng-Từ và đoạn Tuyên-Quảng và đoạn Vu-Tuyên và đoạn Duyên Giang và đoạn Cao-Giới của đường cao tốc Hỗ-Du, đoạn Huy-Hàng của đường cao tốc Hàng-Thụy, đoạn Ninh-Mã và Mã-Vu của đường cao tốc Ninh-Vu, đường cao tốc Hợp-An, đoạn Hợp-Sào-Vu của đường cao tốc Vu-Hiệp, đường cao tốc vành đai Hợp Phì.
Đường thủy
An Huy nằm trong lưu vực hai con sông lớn là Hoài Hà và Trường Giang nên có điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông đường thủy. Tỉnh An Huy có các cảng cấp một là cảng Bạng Phụ, cảng Hoài Nam, cảng Phụ Dương, cảng Vu Hồ, cảng Mã An Sơn, cảng An Khánh; các cảng cấp hai là cảng Phượng Dương, cảng Phượng Đài, cảng Lợi Tân, cảng Đồng Lăng. Tính đến cuối năm 2011, tổng lý trình các tuyến đường sông có thể thông hành của An Huy là 5.596 km, trong đó có 1.084 km các tuyến đường thủy cấp cao. Toàn tỉnh An Huy có khoảng 30.000 tàu thuyền hoạt động với tổng tải trọng là 26 triệu tấn. Năm 2011, hệ thống cảng của An Huy đã thông qua khối lượng hàng hóa lên đến 370 triệu tấn, với 388 nghìn container. Ở ven sông trên địa bàn An Huy có trên 380 bến có thể đón tàu trọng tải cấp 1000 tấn trở lên, số lượng cảng sông của An Huy là cao nhất trong các tỉnh miền Trung và miền Tây của Trung Quốc.
Đường không
An Huy có ba sân bay hàng không dân dụng là sân bay quốc tế Lạc Cương Hợp Phì, sân bay Đồn Khê Hoàng Sơn và sân bay Phụ Dương, ngoài ra tại An Khánh có một sân bay kết hợp cả quân sự lẫn dân dụng (sân bay Thiên Trụ Sơn An Khánh), dự tính sẽ xây dựng mới sây bay quốc tế Tân Kiều Hợp Phì và sân bay Cửu Hoa Sơn Trì Châu. Sân bay quốc tế Lạc Cương Hợp Phì là cửa khẩu hàng không cấp một quốc gia, với 400 chuyến bay mỗi tuần trên 46 đường bay. Năm 2011, hệ thống cảng hàng không của An Huy đã phục vụ vận chuyển 5,21 triệu lượt hành khách và 40.000 tấn hàng hóa.
Văn Hóa
Hoàng Mai hí có nguồn gốc từ vùng ven của An Khánh, là một loại hình hí khúc phổ biến trên khắp Trung Quốc. Hoàng Mai hí bao gồm các điệu ca vũ thôn quê và có thể đã ra đời từ 200 năm trước hoặc thậm chí lâu hơn; loại hình này có truyền thống ca bằng phương ngôn Quan thoại tại An Khánh. Huy kịch là một loại hình nhạc kịch truyền thống bắt nguồn từ khu vực nói tiếng Huy ở nam bộ An Huy, nó là một trong các tiền thân của Kinh kịch. Vào thập niên 1950, Huy kịch đã hồi sinh sau một thời gian bị lãnh quên. Lư kịch là một loại hình nhạc kịch truyền thống xuất hiện khắp vùng trung bộ An Huy, từ đông sang tây. Ngoài ra, còn có Hoa Cổ hí tại Phượng Dương, Tứ Châu hí ở Tứ huyện, Bang kịch tại Bạc Châu, Na hí tại Quý Trì
Ẩm thực An Huy là một trong tám trường phái truyền thống chính của ẩm thực Trung Quốc. Trường phái này kết hợp cách nấu nướng từ bắc bộ An Huy , trung-nam An Huy và các khu vực nói tiếng Huy ở nam bộ An Huy; trong đó các món ở khu vực Hoản Nam là đại biểu chủ yếu của ẩm thực An Huy, bắt nguồn từ cách nấu nướng của khu vực Hoàng Sơn. Ẩm thực An Huy được biết đến với việc sử dụng các loại thú săn và thảo mộc hoang dã cả trên cạn lẫn dưới nước, chế biến bằng cách cách rán lâu trên lửa, ninh và hấp thức ăn; cũng như cách chuẩn bị tương đối đơn giản. Đại diện tiêu biểu của ẩm thực An Huy là món vịt hồ lô , hổ lốn Lý Hồng Chương...
An Huy có nhiều sản phẩm truyền thống có liên quan đến thư pháp: Tuyên Châu và Huy Châu nổi tiếng với sản phẩm giấy Tuyên và mực Huy , chúng được xem là những loại giấy và mực tốt nhất trong thư pháp Trung Quốc. Huyện Hấp nổi tiếng với sản phẩm nghiên Hấp , một trong những loại nghiên dùng để mài mực được ưa thích nhất.
trải nghiệm
Là một điểm đến đang lên Của Trung Quốc với các địa danh cực kỳ nổi tiếng
- Các thôn cổ ở nam bộ An Huy: Tây Đệ và Hoành thôn, là di sản thế giới từ năm 2000
- Hoàng Sơn, dãy núi với nhiều thắng cảnh ở nam bộ An Huy, là di sản thế giới từ năm 1990
- Cửu Hoa Sơn, một trong tứ đại danh sơn của Phật giáo Trung Quốc, ở nam bộ An Huy
- Tề Vân Sơn , một trong tứ đại danh sơn của Đạo giáo Trung Quốc, ở nam bộ An Huy
- Thiên Trụ Sơn , có biệt danh là "Giang Hoài đệ nhất sơn", ở nam bộ An Huy
- Lang Da Sơn , là thắng cảnh cấp AAAA của Trung Quốc, nằm ở trung bộ An Huy
- Đồn Khê lão nhai , phố cổ ở thành phố Hoàng Sơn
- Túy Ông đình , đặt theo hiệu của thi nhân Âu Dương Tu thời Bắc Tống
- Hồ Sào, một trong năm hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc
- Động Thái Cực , được thi nhân Phùng Mộng Long mô tả là một trong "Thiên hạ tứ tuyệt", cũng là một địa điểm linh thiêng của tín đồ Đạo giáo, là hang động karst dài nhất tại Đông Á
- Tháp Chấn Phong , ngôi chùa tháp từ thời Minh tại An Khánh
Một vài thông tin chính :
- Thủ phủ và thành phố lớn nhất : Hợp Phì
- Bí thư tỉnh ủy : An Huy Trương Bảo Thuận
- Tỉnh trưởng : Vương Học Quân
- Diện tích 139.400 km² (thứ 22)
- Dân số (2010) : 59.500.510 (thứ thứ 8 TQ)
- Mật độ : 427/km² (thứ thứ 9 TQ)
- GDP (2011) : 1,5 nghìn tỉ NDT NDT (thứ thứ 14)
- Trên đầu người : 25.340 NDT (thứ thứ 26)
Nguồn Wikipedia.