tìm hiểu lịch sử Ngũ Hồ loạn Hoa - Sau loạn bát vương, Tây Tấn suy yếu cực độ và bị các tộc phương bắc xâm chiếm. Năm 316, vua nước Hán Triệu là Lưu Thông tiêu diệt Tây Tấn. Các quý tộc nhà Tấn chạy xuống phía nam tái lập nhà Đông Tấn (ở đất nhà Ngô thời Tam Quốc cũ) ...
Lịch sử Trung Quốc : Phần 5 - Nhà Hán - Đông HánLịch sử Trung Quốc : Phần 7 - Chia cắt Ngũ Hồ loạn Hoa và Nam Bắc triều
Bị cai trị bởi chế độ quân chủ là một điều không may cho Trung Quốc, với những cuộc chiến tranh và đổ máu là phương tiện để tìm ra người kế tục ngôi báu. Những vị vua có năng lực lại bị tiếp nối bởi những vị không năng lực, với tình trạng tham nhũng trong chính phủ và sự xao nhãng quan tâm tới quyền lợi của thường dân. Nếu những người nắm quyền phục thuộc vào nguyện vọng của nhân dân họ sẽ phải làm nhiều việc cho quyền lợi của người dân – như tích trữ lương thực vào những năm được mùa để phòng khi hữu sự. Các chính quyền không có khả năng và luôn thay đổi làm cho Trung Quốc dễ rơi vào tranh giành.
Ở miền nam, Đông Tấn luôn gặp phải nạn bè phái và sự trỗi dậy của các quyền thần, loạn thần nhân khi "thiên tử" suy yếu, điển hình là Vương Đôn, cha con Hoàn Ôn - Hoàn Huyền. Thêm vào đó, những cuộc nổi dậy của nông dân, nhất là khởi nghĩa Lư Tuần đầu thế kỷ 5 khiến nhà Tấn càng suy yếu. Điều đó khiến Đông Tấn rất ít khi có cơ hội mở các cuộc tấn công bắc phạt để giành lại quyền kiểm soát trung nguyên, dù ở miền bắc đã không ít lần có những biến động thuận lợi - sự tan rã, suy yếu của các chính quyền Ngũ Hồ - để làm điều đó. Năm 420, quyền thần Lưu Dụ, phát triển thế lực nhờ dẹp khởi nghĩa Lư Tuần và diệt được 2 trong số các nước Ngũ Hồ phía bắc, mở đất đến Quan Trung và sông Hoài, thực hiện cướp ngôi nhà Tấn, lập ra nhà Tống, sử gọi là Lưu Tống.
Trong khi đó ở miền bắc sau khi nhà Tấn mất quyền kiểm soát, các bộ tộc Hồ gây chiến liên miên với nhau và với người Hán. Có hơn 20 quốc gia đã hình thành và diệt vong trong thời gian đó, nhưng 16 nước được sử hay nhắc tới. Tình hình miền bắc được các sử gia chia làm hai giai đoạn lớn: Từ năm 383 trở về trước và sau năm 383.
Trước năm 383, sử Ngũ Hồ loạn Hoa có sự ra đời và diệt vong của các nước Hán Triệu (304-329), Hậu Triệu (319-352), Thành Hán (303 - 347), Tiền Lương (314-376), Tiền Yên (317-371), Tiền Tần (351-394). Các quốc gia này, song song với việc đánh chiếm được đất đai của nhà Tấn và chống lại những cuộc bắc phạt của nhà Tấn đã quay sang đánh lẫn nhau. Tới năm 376, khi hoàng đế Tiền Tần là Phù Kiên diệt nước Tiền Lương và Bắc Đại (nước của người Tiên Ti, không được nhắc tới trong 16 nước), thống nhất miền bắc, cơ bản Trung Quốc chỉ còn 2 nước Tần và Tấn chống nhau.
Năm 383, Phù Kiên huy động 100 vạn quân đa sắc tộc đi đánh Đông Tấn để thống nhất Trung Quốc, nhưng bị thảm bại ở trận Phì Thủy nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Ngay sau trận Phì Thủy 383, Tiền Tần suy yếu và tan rã nhanh chóng. Các bộ tộc cũ của người Hung Nô, Tiên Ty, Khương lại nổi dậy chia cắt miền bắc, hình thành các nước Hậu Lương, Bắc Lương, Tây Lương, Nam Lương, Hậu Yên, Bắc Yên, Nam Yên, Tiền Tần, Hậu Tần và Tây Tần và Hạ. Nước Bắc Đại của họ Thác Bạt cũng phục hồi năm 386 với tên là Bắc Ngụy và dần dần lớn mạnh.
Bắc Ngụy lần lượt diệt các nước Ngũ Hồ phía bắc, thống nhất miền bắc năm 439.
Nam Bắc triều
Không lâu sau khi Lưu Dụ lập ra nhà Tống, Bắc Ngụy cũng thống nhất miền bắc, kết thúc thời Ngũ Hồ loạn Hoa. Từ đó trong một thời gian dài, miền nam và miền bắc ít bị chia cắt hơn loạn Ngũ Hồ, duy trì biên giới tương đối ổn định và có sự kế tục nhau của các thế lực phong kiến cai trị hai miền.
Năm 453, vua Bắc Ngụy dốc toàn quân đánh Lưu Tống để thống nhất Trung Quốc. Vua Tống là Văn Đế Lưu Nghĩa Long cũng mang sức cả nước ra chống lại. Kết quả không ai thắng ai, nhưng sau đó cả hai bên đều suy yếu, nhất là nhà Tống ở miền nam vốn có tiềm lực nhỏ hơn.
Bắc Ngụy tập trung vào phát triển kinh tế và xây dựng. Sau một thời gian, triều đình này Hán hóa rất mạnh, tới cuối thế kỷ 5 đổi từ họ Thác Bạt sang họ Nguyên.
Ở phía nam, một chuỗi các gia tộc Hán vốn đã leo lên và rơi xuống khỏi quyền lực trong khi lao vào các trận chém giết, coi đó là cách để giải quyết xung đột về việc ai sẽ cai trị. Nhà Tống suy yếu, bị quyền thần Tiêu Đạo Thành tiêu diệt lập ra nhà Nam Tề (479). Được hơn 20 năm (502), một người em họ của Tiêu Đạo Thành là Tiêu Diễn diệt cháu chắt của anh họ mình, lập ra nhà Lương. Theo sách Mưu lược người xưa[8], các nhà sử học Trung Quốc đã thống kê ra: chỉ từ cuối thời Đông Hán tới khi Lương Vũ Đế Tiêu Diễn lên ngôi đã có gần 300 người xưng vương hay xưng đế[9]. Điều đó đủ cho thấy mức độ loạn lạc của Trung Quốc từ thời Tam Quốc tới Nam Bắc triều.
Ở cả miền nam và miền bắc, tuy chiến tranh chấm dứt nhưng bạo loạn, tranh chấp trong cung đình vẫn liên tục xảy ra giữa những người thân tộc.
Để chống họa ngoại thích, các vua Bắc Ngụy đặt ra lệ: trong các hoàng tử, ai được lập làm thái tử thì mẹ người đó phải chết. Nhưng tới Tuyên Vũ đế Nguyên Khác lại phá lệ vì yêu Hồ hậu, nên để cho mẹ thái tử Hủ được sống. Năm 515, Nguyên Khác chết, Nguyên Hủ lên thay. Quyền lực nhà Bắc Ngụy lập tức rơi vào tay Thái hậu nhiếp chính họ Hồ. Bà là người rất sùng đạo Phật, tuy vậy lại sử dụng thủ đoạn rất tàn độc với những người mà bà không thích, kể cả những người cùng gia tộc. Năm 528, bà hành quyết cả Nguyên Hủ vì Hủ không ngừng muốn thoát khỏi tình trạng giám hộ của bà.
Lập tức, các tướng lãnh nổi loạn. Năm 530, Nhĩ Chu Vinh, một đại tướng đang cầm quân bên ngoài đã đem quân vào kinh thành giết chết Hồ Thái hậu và cả Nguyên Tử Du, vị vua kế vị mới vừa được bà lập nên. Từ đó đại loạn bắt đầu nổ ra.
Nhĩ Chu Vinh và em là Nhĩ Chu Triệu cùng hàng loạt vua Ngụy bù nhìn như Nguyên Diệp, Nguyên Cung, Nguyên Lãng, Nguyên Tu bị giết trong cuộc hỗn chiến. Hai quyền thần mới, vốn là thủ hạ của các lực lượng quân phiệt hỗn chiến, nổi lên trong chính trường sau khi lớp trước bị thủ tiêu là Cao Hoan và Vũ Văn Thái, chia nhau giữ đất Bắc Ngụy.
Tình trạng loạn lạc kéo dài dẫn đến việc triều đình Bắc Ngụy bị chia làm hai là Đông Ngụy và Tây Ngụy vào năm 534. Tuy nhiên, cả hai triều đình này không tồn tại được lâu, vì quyền lực thực tế đều nằm trong các tướng lĩnh quân sự. Ở phía đông, Cao Hoan khống chế Đông Ngụy, phía tây Vũ Văn Thái thao túng Tây Ngụy. Năm 550 con thứ Cao Hoan là Cao Dương đã phế truất vị vua duy nhất của triều Đông Ngụy là Nguyên Thiện Kiến để lên làm vua, lập nên triều đình Bắc Tề vào. Không lâu sau đó, ở Tây Ngụy, quyền thần Vũ Văn Giác (con Vũ Văn Thái) ép vị vua cuối cùng của nhà Tây Ngụy là Nguyên Khuếch nhường ngôi cho mình vào năm 557, lập nên nhà Chu, sử gọi là Bắc Chu.
Các vị vua của Bắc Chu không ngừng lại ở đó mà tiếp tục thực hiện các chiến dịch quân sự để đánh phá người láng giềng Bắc Tề. Vào năm 577, vua Bắc Chu là Vũ Đế Vũ Văn Ung tiêu diệt Bắc Tề, thống nhất miền bắc bằng vũ lực. Tuy nhiên, ngay sau đó Chu Vũ Đế mất, con trai ông là Chu Tuyên Đế lại mải chơi không thể giữ gìn được sự nghiệp và chết yểu.